Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Chinh quyen tiep tay cho DN gay hu hong duong

(Tamnhin.net) - Hơn 52 tỷ đồng đã bỏ ra để đầu tư xây dựng tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân (thuộc huyện miền núi Như Xuân - Thanh Hóa) để khắc phục hậu quả thiên tai từ năm 2005, thế nhưng mới hơn 1 năm đi vào sử dụng con đường đã trở thành mối nguy hại với người dân.

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai thành "thiên tai"
Nó nhanh chóng bị hư hỏng nặng bởi các loại xe tải lớn vượt gấp 2-3 lần tải trọng qui định của đường được đơn vị quản lý, sử dụng là UBND huyện Như Xuân cho phép một doanh nghiệp lưu thông.

Chưa kịp quyết toán đã hỏng

Năm 2005, sau đợt thiên tai lũ lụt, tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc đi lại của người dân địa phương rất khó khăn. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã đề nghị với các cấp ngành và được duyệt sửa chữa, nâng cấp đường Xuân Quỳ - Thanh Quân với chiều dài 24km (nối dọc 6 xã thuộc vùng khó khăn nhất của huyện Như Xuân), thuộc dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 bằng nguồn vốn ADB. Dự án do Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng.


Bản cam kêt, bảo lãnh của Cty Phụ gia xi măng Thanh Hóa với UBND huyện Như Xuân.
Đến tháng 6/2008, công trình được thi công bằng 3 gói thầu và theo hợp đồng thì công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2009, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mãi đến tháng 7/2010 mới hoàn thành và đi vào sử dụng. Theo thiết kế, cấp đường là đường giao thông nông thôn loại A, tải trọng thiết kế qui đổi tương đương là 13 tấn (tải tối đa của con đường) nhằm mục đích lưu thông cho xe tải nhỏ và dân sinh.

Tuy mới hơn 1 năm đi vào sử dụng nhưng cách đây khoảng 4-5 tháng trước những ai đi trên con đường đó đều không thể tin nổi đó là đường mới được xây dựng. Những "ổ voi", những đoạn bị sạt lở, nghiêm trọng hơn có những đoạn sạt đến gần hết nửa lòng đường. Chưa cần nói tới chất lượng công trình hay quá trình sử dụng đường nhưng người ta đã thấy ngay tới sự nguy hiểm luôn rình rập những người tham gia giao thông trên tuyến đường này. Chứng minh vấn đề trên, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có báo cáo số 1107/SNN&PTNT-QLXDCT ngày 27/6/2011 về việc xe chở quặng quá tải trọng thiết kế của tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân.

Được biết, tuy đã đưa vào sử dụng được hơn 1 năm trời nhưng mới đây, ngày 2/12/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định phê duyệt quyết toán công trình đường Xuân Quỳ - Thanh Quân.

Như vậy, thời điểm con đường bị hư hỏng thì nó vẫn chưa được quyết toán và đã có báo cáo của chủ đầu tư. Nhưng điều cần nói là tại sao hiện trạng con đường thời điểm chưa duyệt quyết toán đã hư hỏng nặng nhưng cơ quan chức năng vẫn quyết định quyết toán mà không xem xét tới thực tế con đường, trách nhiệm của đơn vị quản lý, sử dụng. Câu hỏi được đặt ra là trong quá trình xây dựng, quản lý và sử dụng con đường khắc phục hậu quả thiên tai với vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng của các đơn vị liệu có điều gì khuất tất?.

Huyện "chia đoạn", "bán đường" cho DN?

Đem những búc xúc, nỗi niềm của người dân về con đường mới được hoàn thành với hơn 52 tỷ đồng để hỏi đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng con đường là UBND huyện Như Xuân thì chúng tôi nhận được câu trả lời "không làm việc" vì vị Chủ tịch UBND huyện "bận họp".

Thực tế con đường cho thấy, việc hư hỏng của con đường nguyên nhân chính là do việc vận chuyển khoáng sản của Cty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa. Người dân địa phương cho biết, hàng ngày có hàng chục xe ôtô cỡ lớn liên tục "cày phá" tuyến đường, mùa khô thì khói bụi, mùa mưa thì đất cát tràn khắp đường. Được biết, Cty phụ gia xi măng Thanh Hóa được cấp phép khai thác khoáng sản tại xã Thanh Lâm (1 trong 6 xã dọc tuyến đường) do vậy việc hàng ngày có hàng chục xe tải trọng từ 30-40 tấn đi qua làm hư hỏng đường. Bởi lẽ, tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân chỉ có tải trọng tối đa là 13 tấn nên việc gây ra hư hỏng nặng của một công trình nhằm giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai là điều tất nhiên.


Đường Xuân Quỳ - Thanh Quân có đoạn bị hư hỏng gần hết, nguy hiểm rình rập hàng ngày với người dân.

Việc Cty phụ gia xi măng Thanh Hóa được cấp phép và khai thác từ tháng 4/2011 và quá trình khai thác của Cty đã làm hư hỏng đường, vậy đơn vị được giao quản lý, sử dụng đường là UBND huyện Như Xuân có biết hay không?.

Chúng tôi đã xác minh và được biết, UBND huyện Như Xuân biết rất rõ điều này, không những thiếu trách nhiệm trong việc báo cáo hiện trạng đường mà UBND huyện Như Xuân còn chưa xin ý kiến UBND tỉnh Thanh Hóa thì đã "tiền trảm hậu tấu" bằng việc ký cam kết bảo lãnh đoạn đường có chiều dài 13,5km (đoạn Xuân Quỳ - Thanh Lâm) với Cty phụ gia xi măng Thanh Hóa bằng khoản tiền là 12,75 tỷ đồng.

Là chủ đầu tư của công trình, được người dân phản ánh về hiện trạng việc hư hỏng trên, sau khi kiểm tra, ngày 27/6/2011, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xe chở quặng quá tải trọng thiết kế trên đường Xuân Quỳ - Thanh Quân. Văn bản nêu rõ: "Hiện nay, vận tải trên tuyến có rất nhiều xe tải trọng lớn, đặc biệt là các loại xe chở quặng, tải trọng gấp 3 đến 4 lần tải trọng thiết kế. Lưu thông chủ yếu vào ban đêm, nhưng đơn vị quản lý khai thác là UBND huyện Như Xuân chưa có biện pháp nào ngăn chặn dẫn đến tuyến đường bị phá vỡ kết cấu mặt một số đoạn, nguy cơ phá hỏng tuyến đường trong thời gian ngắn và hậu quả sẽ khó lường.

Do đó, không những nhân dân trong khu vực không thể lưu thông được mà còn ảnh hưởng đến cách đánh giá qui trình vận hành và bảo dưỡng của nhà tài trợ ADB đối với tiểu dự án trên". Như vậy, UBND huyện Như Xuân đã không bảo vệ mà còn "tiếp tay" cho doanh nghiệp phá đường.

Đến ngày 4/7/2011, UBND huyện Như Xuân đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, trong văn bản này huyện Như Xuân khẳng định: "Do khai thác khoáng sản của Cty (Cty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa) vận chuyển nặng, quá tải, lưu lượng xe lưu thông vượt quá qui định cho phép với thiết kế đường, dẫn đến tuyến đường xuống cấp trước thời gian theo tiêu chuẩn cấp đường. UBND huyện đã yêu cầu Cty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa có trách nhiệm hoàn trả lại tuyến đường sau khi khai thác xong mở quặng, thời gian khai thác hoàn trả nguyên trạng đường không quá ngày 22/4/2014".

Như vậy, nếu theo cách của UBND huyện Như Xuân mà trực tiếp là ông Dương Văn Mạnh, chủ tịch UBND huyện ký gửi báo cáo thì người dân vùng 6 xã khó khăn của huyện này phải tiếp tục "tìm kế" đối phó với cung đường nguy hiểm này mãi đến năm 2014. Vậy thử hỏi một công trình mang tính phúc lợi xã hội, đặc biệt hơn nó là tuyến chính nối liền giao thông của 6 xã vùng khó khăn có đem lại ý nghĩa của một dự án "khắc phục hậu quả thiên tai". Chẳng lẽ hết thiên tai do tự nhiên nay người dân nơi đây lại phải gánh chịu "thiên tai" do chính việc quản lý khai thác của UBND huyện Như Xuân.

Đặc biệt, trong bản cam kết của Cty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa thì thời điểm hết bảo lãnh của Cty với đoạn đường là đến ngày 31/12/2011. Vậy chỉ còn mấy ngày nữa là hết thời gian bảo lãnh, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những hư hỏng của con đường, còn người dân thì phải sống chung với nguy hiểm đến cả tính mạng.

Trao đổi sự việc với ông Cao Bát Chí, phó giám đốc Ban quản lý dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai Thanh Hóa, ông cho biết: "Chúng tôi xác định việc gây hư hỏng tuyến đường Xuân Quỳ - Như Xuân là do việc chở quá tải của Cty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa. Việc UBND huyện Như Xuân và Cty cam kết bảo lãnh đường mà chưa xin ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa là không đúng. Đây là đường khắc phục hậu quả thiên tai thì mục đích chính là phục vụ số đông người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai".

Trước sự việc trên, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm có biện pháp khắc phục khẩn cấp để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, phục vụ đúng mục đích của con đường. Cùng với đó cần xem xét tới trách nhiệm quản lý, sử dụng đường của UBND huyện Như Xuân.

Phúc Ngư

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét